Mô hình chuyển đổi số trường học

Mô hình nào cho quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo? Thư viện học liệu xin giới thiệu bài viết của TS. Nguyễn Hùng Chính (ĐH Sư phạm Hà Nội) để bạn đọc cùng đóng góp, chia sẻ tích cực với tác giả vì mục đích chung.

TS. Nguyễn Hùng Chính

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

I. Mở đầu

    Việc ứng dụng công nghệ thông tin đã được đặt ra từ lâu, trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và trong giáo dục cũng không có ngoại lệ. Chúng ta có cả một hệ thống văn bản từ Nghị quyết đến Thông tư và văn bản hướng dẫn thúc đẩy quá trình chuyển đổi số.

    Những vấn đề xã hội toàn cầu gần đây đã một lần nữa khẳng định sự đúng đắn của chủ trương, nhấn mạnh tầm quan trọng của UDCNTT và là một động lực mạnh mẽ cho quá trình chuyển đổi số. Như vậy, việc chuyển đổi số cần được đẩy mạnh hơn nữa nhưng chúng ta cũng đã nhận thức rõ rằng quá trình này nhanh hay chậm phụ thuộc vào rất nhiều điều kiện khác nhau và nếu thực hiện không đúng hướng sẽ kéo lùi sự phát triển.

    Vậy mô hình nào cho quá trình chuyển đổi số nói chung? Mô hình nào cho quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo? Đây có lẽ là một câu hỏi phức tạp cần sự đầu tư để dần có lời giải rõ nét hơn.

    Trong bài viết này, tác giả đề cập góc nhìn chủ quan, có tính phác thảo ban đầu, về mô hình chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, với cách tiếp cận đặt nền tảng là hoạt động chuyển đổi số của từng giáo viên xảy ra trong từng nhà trường.

    Trước hết, ta thống nhất rằng chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo cần nhắm đến 3 mục tiêu lớn là:

- phát triển các phương pháp học tập đổi mới để tạo điều kiện học tập thành công và phát triển sự tự chủ của người học;

- đào tạo công dân trách nhiệm và tự chủ của thời đại số;

- chuẩn bị cho học sinh tiếp cận với những nghề nghiệp số trong tương lai.

    Để đạt được những mục tiêu trên, chúng ta cần 5 chìa khoá nền tảng là:

- đào tạo và bồi dưỡng giáo viên: điều kiện tiên quyết để thực hiện việc chuyển đối số trong trường học;

- nguồn tài nguyên giáo dục số hoá tương thích với việc sử dụng kỹ thuật số trong dạy học;

- thiết bị (di động) cá nhân phù hợp cho học sinh;

- đổi mới kiểm tra, đánh giá;

- phát triển và phổ biến công cụ số hoá (CNTT) mới.

    Hơn nữa, CNTT không thể chỉ được coi là một công cụ, thiết bị đơn thuần mà là một công cụ đặc biệt làm thay đổi tư duy của từng con người. Nếu một giáo viên mới chỉ dừng ở mức độ sử dụng CNTT như một công cụ thông thường, người giáo viên đó chưa thực sự bước vào quá trình chuyển đổi số. Như vậy, nhận định này củng cố điều kiện tiên quyết để chuyển đổi số trường học là năng lực chuyển đổi số của từng giáo viên; điều kiện đủ là sự vào cuộc của các cấp quản lí giáo dục một cách hợp lí ở từng giai đoạn của quá trình chuyển đổi số. Do đó, điều cấp thiết là xây dựng một mô hình khả thi kèm theo việc ban hành các tiêu chuẩn, tiêu chí và quy định phù hợp để thống nhất hành động.

II. Mô hình chuyển đổi số trường học

    Phần này tập trung vào việc đề xuất mô hình chuyển đổi số trường học thông qua định nghĩa tổng quát các mức độ cần đạt của từng giai đoạn chuyển đổi số, trên cơ sở đảm bảo các nguyên tắc sau đây:

- Mức độ đầu tiên là mức độ thấp nhất phản ánh biểu hiện phổ biển trong thực tiễn hiện nay: có số lượng lớn các trường học đang ở mức xuất phát này hoặc đang ở vị trí tiệm cận;

- Mức độ sau bao hàm mức độ trước, phải thể hiện rõ rệt bước tiến so với mức độ trước và có thể “đo đạc” được: là sự phát triển cả về lượng và chất so với mức độ trước.

- Mức độ cuối cùng là mức độ cao nhất đánh dấu sự chuyển đổi số thành công và toàn diện của nhà trường: mọi hoạt động đều có dữ liệu số hoá tương thích.

- Sự dịch chuyển từ mức độ này sang mức độ khác là một quá trình: tích luỹ (phân tán) và phát triển đi lên (đi xuống) của tập thể trong một chu kỳ thời gian nhất định.

- Mô hình này không xung khắc mà bổ trợ cho mô hình trường học hiện hành nhưng có tác động tích cực làm thay đổi một cách trơn tru về “chất” mô hình trường học truyền thống: giao thoa ở mức độ thấp và hợp nhất ở mức độ cuối cùng.

    Với những nguyên tắc như trên, quá trình chuyển đổi số trường học được định nghĩa thành 4 giai đoạn phát triển, đặc trưng bởi 4 cấp độ theo thứ tự tăng dần (xem Hình 1).

1. Mức 1. Chuyển đổi số tự phát

    Trường học có một số giáo viên tự chủ động thực hiện và có sản phẩm dạy học trực tuyến. Những giáo viên này đã tự tổ chức thành thạo một số nội dung/hoạt động học qua mạng; biết phối hợp nhiều công cụ CNTT để xây dựng bài giảng và triển khai dạy học, tương tác với học sinh, phụ huynh.

→  Đối với trường học ở mức độ này, CBQL nhà trường cần nhận thấy rõ những giáo viên đó là những nhân tố hết sức quan trọng của nhà trường, cần có ngay các biện pháp khuyến khích, hỗ trợ để phát triển và nhân rộng. Kế hoạch chuyển đối số của nhà trường cần được xây dựng với hoạt động trung tâm xoay quanh các nhân tố này.

2. Mức 2. Chuyển đổi số cơ bản

   Nhà trường có kế hoạch năm học, phân công chi tiết việc triển khai dạy học qua mạng, giao chỉ tiêu cho tổ bộ môn và giáo viên xây dựng bài giảng/đề thi trực tuyến một số nội dung của một số môn học trong chương trình; thực hiện dạy học qua mạng đan xen với dạy học trên lớp trong suốt năm; đã tổ chức thi định kỳ trên máy tính ít nhất 01 lần mỗi năm đối với mỗi môn học có nội dung dạy trực tuyến; có kế hoạch chi tiết về việc bồi dưỡng nội bộ tại công việc kết hợp mời chuyên gia tập huấn để nâng cao chất lượng và số lượng giáo viên có năng lực thực hiện dạy học qua mạng; hình thành kho bài giảng/đề thi dưới dạng danh sách liên kết được bố trí thành một phân trang trên website của trường.

→ Mức độ này đánh dấu sự vào cuộc chủ động và mạnh mẽ của CBQL nhà trường và năng lực tổng thể của đội ngũ giáo viên được nâng lên với nhiều nhân tố tồn tại ở tất cả môn học/hoạt động giáo dục. Kế hoạch chuyển đổi số ở giai đoạn này tập trung ở sự hoàn thiện sản phẩm hiện có, tăng cường cơ sở hạ tầng và tiếp tục nhân rộng trong đội ngũ.

3. Mức 3. Chuyển đổi số toàn phần

    Nhà trường có kế hoạch năm học, phân công chi tiết việc triển khai dạy học qua mạng và toàn bộ giáo viên có năng lực xây dựng bài giảng/đề thi trực tuyến một số nội dung của tất cả các môn học trong chương trình; thực hiện dạy học qua mạng đan xen với dạy học trên lớp trong suốt năm; tổ chức kiểm tra thường xuyên trên máy tính và thiết bị di động; có kế hoạch chi tiết về việc bồi dưỡng nội bộ tại công việc kết hợp mời chuyên gia tập huấn để nâng cao năng lực giáo viên thực hiện dạy học qua mạng; kho bài giảng/đề thi là một module quan trọng hoặc là một hệ thống độc lập kết nối hữu cơ với website của trường, chứa đầy đủ nội dung bài giảng trực tuyến và có học liệu bổ sung. 100% học sinh có thiết bị.

→ Mức độ này khẳng định năng lực, chất lượng toàn diện của đội ngũ và CBQL nhà trường; sự đầy đủ và chất lượng của cơ sở hạ tầng; phản ánh điều kiện và mối quan hệ giữa gia đình và nhà trường. Kế hoạch chuyển đổi số của trường tập trung vào sự duy trì và nâng cao chất lượng thành quả hiện tại, đồng thời từng bước hiện đại hoá cơ sở hạ tầng, năng lực giáo viên và trình độ quản lí.

4. Mức 4. Trường học thông minh

    Mọi giáo viên đều thành thục kỹ năng công nghệ, có năng lực ứng dụng sáng tạo; cơ sở vật chất, thiết bị công nghệ hiện đại được sử dụng hàng ngày; kho bài giảng và tư liệu dạy học đạt 100% (trừ những nội dung không thể số hoá); mọi dữ liệu/kết quả dạy học và hoạt động quản lí trong thực tiễn của nhà trường đều được điện tử hoá một cách khoa học; hệ thống có khả năng tích hợp, kết nối nhiều chiều.

→ Đây là mức đánh dấu sự hoàn thiện về mọi mặt từ chất lượng đội ngũ sáng tạo đến cơ sở hạ tầng hiện đại. Áp dụng thành tựu của trí tuệ nhân tạo được xem xét tích hợp một cách hệ thống.

    Mô hình chuyển đổi số trường học này cần được cụ thể hoá bởi một hệ thống tiêu chuẩn, tiêu chí phù hợp dựa trên những quy định hiện hành làm nền tảng và tầm nhìn về xu thế đổi mới của thời đại. Dựa trên quan sát chủ quan, phần lớn các trường đã đạt và tiệm cận Mức 1. Sự nỗ lực để nâng lên Mức 2 trong điều kiện hiện tại của đất nước ta là hoàn toàn khả thi, vừa sức đối với số lượng không nhỏ các trường học trên phạm vi toàn quốc. Mức 2 phản án một cách cơ bản kết quả đổi mới nền tảng ban đầu cho việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục trong những năm tới; là điều kiện tiên quyết để thực hiện thành công Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Nếu tỷ lệ lớn các trường đạt Mức 2 trở lên – tức là đã đạt được sự linh hoạt cơ bản đổi mới nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức dạy học – sẽ không chỉ tạo động lực quan trọng để đổi mới giáo dục, nâng cao chất lượng dạy học mà còn tạo sự lan toả cho phần còn lại và ngành giáo dục sẽ ứng phó một cách chủ động với sự thay đổi nhanh và bất ngờ của thời đại.

III. Quy trình xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, tiêu chí

    Định nghĩa về mô hình chuyển đổi số trường học ở trên có tính chất định tính nhưng là những phác thảo cơ sở, quan trọng cho việc xây dựng hệ thống cách tiêu chuẩn, tiêu chí chi tiết có thể lượng hoá được để “đo đạc” các mức độ của quá trình chuyển đổi số trường học. Ngược lại, chính hệ thống tiêu chuẩn, tiêu chí sẽ tạo động lực, dẫn đường và thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trường học nhanh hơn, đúng hướng và đảm bảo tính thống nhất.

    Quy trình nghiên cứu xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, tiêu chí:

1. Bước 1. Xây dựng danh mục tiêu chí nội dung tài nguyên số hoá

    Nghiên cứu Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và căn cứ các quy định hiện hành [1,2,3,4,6].

    Kết quả đầu ra:

- Danh mục nội dung/hoạt động có ưu thế khi dạy học hoàn toàn trực tuyến; dạy học kết hợp tại chỗ - trực tuyến; phát triển tư liệu dạy học trực tuyến, v.v đối với từng môn học/HĐGD trong chương trình;

- Ma trận theo mức độ về số lượng có thể triển khai thực hiện đối với từng danhmục;

- Ma trận yêu cầu cần đạt về chất lượng của tài nguyên giáo dục số hoá của từng nội dung thuộc danh mục.

2. Bước 2. Xây dựng tiêu chí về điều kiện đảm bảo

    Nghiên cứ khảo sát điều kiện thực tiễn hiện tại và căn cứ vào các quy định hiện hành [5,7,8,9] cũng như đánh giá xu hướng phát triển công nghệ.

    Kết quả đầu ra:

- Hệ thống khái niệm trong chuyển đổi số;

- Nhóm tiêu chí về nhân lực;

- Nhóm tiêu chí về thiết bị;

- Nhóm tiêu chí về hệ thống tài nguyên giáo dục số hoá;

- Nhóm tiêu chí về hệ thống CNTT;

- Nhóm tiêu chí về quản trị Nhà trường.

3. Bước 3. Xây dựng tiêu chuẩn cho từng mức độ của mô hình chuyển đổi số trường học

    Căn cứ kết quả đầu ra của Bước 1 và Bước 2, cụ thể hoá bộ tiêu chí tương ứng cho từng mức độ của mô hình chuyển đổi số trường học được trình bày ở Mục I.

IV. Về tổ chức thực hiện

    Sau khi hoàn thành hệ thống tiêu chuẩn của mô hình chuyển đổi số trường học, ngành giáo dục cần xây dựng văn bản và ban hành để tổ chức thực hiện thống nhất:

- Quy định về mô hình chuyển đổi số trường học kèm theo hệ thống tiêu chuẩn;

Quy định trách nhiệm về chất lượng và bản quyền nguồn tài nguyên số hoá cho cơ sở (nhà trường - nơi phát sinh dữ liệu);

- Quy chuẩn về tiêu chí kỹ thuật để tạo điều kiện cho sự kết nối nguồn tài nguyên giáo dục số hoá (nên dừng ở mức metadata, tìm kiếm, phân loại khai thác giá trị gia tăng); quy định đăng ký tổ chức dịch vụ kết nối trung gian cho các tổ chức và doanh nghiệp, đảm bảo tính cạnh tranh công bằng, đa dạng dịch vụ.

- Quy định phương thức kết nối khi đạt mức độ chuyển đổi số trường học tương ứng trên cơ sở tự chủ của nhà trường.

V. Kết luận

    Trong nghiên cứu này, chúng tôi đề xuất mô hình chuyển đổi số trường học và định hướng nghiên cứu xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, tiêu chí dẫn đường cho quá trình chuyển đổi số của từng cán bộ, giáo viên và nhà trường. Kết quả nghiên cứu mang lại bức tranh phác thảo ban đầu để chúng ta tiếp tục thảo luận, chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện nhằm tạo ra một mô hình chuyển đổi số hữu hiệu, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn.

______________

Tài liệu tham khảo:

1. Thông tư 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 3 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ GDĐT Ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học;

2. Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12 tháng 12 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ GDĐT ban hành Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông;

3. Công văn 5555/BGDĐT-GDTrH ngày 08 tháng 10 năm 2014 của Vụ GDTrH về việc hướng dẫn sinh hoạt chuyên môn về đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá; tổ chức và quản lí sinh hoạt chuyên môn của trường trung học/trung tâm giáo dục thường xuyên qua mạng;

4. Công văn 4612/BGDĐT-GDTrH ngày 03 tháng 10 năm 2017 của Vụ GDTrH về việc hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh từ năm học 2017-2018;

5. Thông tư 20/2018/TT-BGDĐT ngày 22 tháng 8 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ GDĐT ban hành quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông;

6. Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ GDĐT ban hành Chương trình giáo dục phổ thông.

7. Thông tư 17/2016/TTLT-BGDĐT-BTTTT ngày 21 tháng 6 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ GDĐT và Bộ trưởng Bộ TTTT quy định tổ chức thi và ứng dụng công nghệ thông tin.

8. Thông tư 39/2017/TT-BTTTT ngày 15 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ TTTT ban hành Danh mục tiêu chuẩn kỹ thuật về ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước.

9. Thông tư 14/2018/TT-BGDĐT ngày 20 tháng 7 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ GDĐT ban hành quy định chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông.